Dự án xây dựng trang thông tin du lịch tiếp cận do nhóm “Vì tương lai tươi sáng” thuộc Hội Người khuyết tật Hà Nội thực hiện từ tháng 12-2016, với sự tài trợ của Quỹ Abilis (Phần Lan). Nhóm làm dự án gồm 3 thành viên chính là Ngô Tuyết Lan, Hoàng Thị Thái Hà và Trịnh Thị Thu Thủy.
Nhóm “Vì tương lai tươi sáng” khảo sát các điểm tham quan dành cho người khuyết tật
Chị Thu Thủy, 1 trong 3 thành viên nòng cốt của dự án kể: “Tôi từng nghe một nhân viên trong ngành Du lịch bảo: “Khuyết tật như này ở nhà đi, sao còn đi chơi làm cái gì”? Chị Thu Thủy cười: “Cách nhìn của xã hội về người khuyết tật đi du lịch khá khác, đó là một cách nhìn thôi. Có thể công việc tìm điểm đến tiếp cận được với người khuyết tật, tìm hướng dẫn viên dùng ngôn ngữ ký hiệu khó khăn quá nên nhân viên kia bực dọc”.
Xuất phát từ nhu cầu muốn đi du lịch mà tìm kiếm thông tin du lịch cho người khuyết tật chẳng dễ dàng, bên cạnh đó, nhận thấy nhiều người cao tuổi muốn đi du lịch, thư giãn tuổi già nhưng không leo được những bậc cao hay phải ngồi xe lăn…, Trịnh Thị Thu Thủy cùng các cộng sự đã góp gió thành bão hình thành ý tưởng dự án xây dựng trang thông tin du lịch tiếp cận. Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm gặp khá nhiều khó khăn.
“Khi chúng tôi liên hệ điểm đến, mặc dù chúng tôi đã giới thiệu dự án và nêu mong muốn tới khảo sát để đăng thông tin về mức độ tiếp cận, nhưng chúng tôi chưa kịp nói hết, họ đã bảo: “Ừ trước khi đến gọi cho chị, chị sẽ bảo bảo vệ miễn phí vé vào cổng” - chị Trịnh Thị Thu Thủy kể lại - “Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhóm dự án và các khách du lịch đặc biệt này họ không hề có nhu cầu miễn phí vé. Việc kết nối là bởi cần người bên họ hỗ trợ, đưa đi khảo sát tất cả cơ sở vật chất mà điểm đến của họ có, chính xác và chi tiết ở các hạng mục”.
Điều đó cho thấy nhận thức của mọi người nói chung về người khuyết tật: Cứ nói đến người khuyết tật họ nghĩ rằng người khuyết tật xin, giảm, miễn. Thực tế, không phải vậy, họ cũng đi làm, họ có thể chăm chỉ làm nhiều công việc, có khả năng chi trả nuôi sống cá nhân và đóng góp cho cả xã hội. Sự hỗ trợ của xã hội đối với người khuyết tật không nhất thiết bằng tiền bạc mà trước hết, hãy bằng nhận thức và tinh thần. Ví như, ở mỗi khách người khuyết tật có thể di chuyển bằng xe lăn; chiều cao bậc 15cm, độ rộng bậc 30cm có thể giúp người khuyết tật bước chân lên không bị mỏi, đặt chân vững… “Hỗ trợ như vậy còn tốt gấp vạn lần bằng tiền bạc, tạo cho người khuyết tật có cơ hội chủ động”, chị Trịnh Thị Thu Thủy so sánh.
Khó khăn lớn nhất: đường đi lối lại
Du lịch và được tiếp cận các điểm du lịch như một nhu cầu chính đáng của người khuyết tật. Bởi lẽ, một số người khuyết tật vẫn mang rào cản tâm lý, tự ti, ngại làm phiền người khác bế, dìu lên xuống xe. Tại Hà Nội, trừ tuyến xe bus số 61, 03, xe trung chuyển từ ga quốc nội sang ga quốc tế ở Sân bay Nội Bài là có đường dốc cho xe lăn lên, còn các loại ô tô du lịch, taxi, ngay cả xe bus số 86 ra sân bay đều không có đường dốc, cửa tàu hỏa lại nhỏ hẹp, xe lăn không lên được.
Ông Nguyễn Mạnh Thức, Giám đốc Công ty Du lịch Đôi mắt Á Châu chia sẻ: “Du khách là người khuyết tật, người cao tuổi, công ty tôi phục vụ thường đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản, họ đến Việt Nam tham quan cùng con cái. Muốn phát triển sản phẩm du lịch cho người khuyết tật, quan trọng nhất vẫn là đường đi lối lại phải thuận tiện”.
Ông Nguyễn Mạnh Thức chỉ rõ, ngoài sản phẩm “city tour”, tham quan các danh lam thắng cảnh, bảo tàng tại Hà Nội như: viếng Lăng Bác; đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn… du khách còn ưa chuộng điểm đến Vịnh Hạ Long, mặc dù vậy, bến cảng Tuần Châu còn chưa có lối đi dành riêng cho họ.
Còn theo bà Lê Hòa, Giám đốc Công ty CPTM và Lữ hành quốc tế Thế giới mới: “Công ty tôi đã và đang đón cả khách quốc tế và nội địa là người khuyết tật, họ hay chọn những điểm đến di chuyển nhẹ nhàng và thuận tiện nhất. Doanh nghiệp lữ hành cũng sẽ gặp khó khăn khi làm tour cho người khuyết tật vì phải dành thời gian, công sức, một cách cẩn thận, chỉn chu hơn so với du khách khác”.
Tại Việt Nam, có gần 8 triệu người khuyết tật, trong tương lai du lịch cho người khuyết tật có thể phát triển mảng này. Các điểm du lịch tham quan nên có các công cụ hỗ trợ cho những vị du khách đặc biệt. Tại bảo tàng nên có tai nghe thuyết minh, phần giới thiệu bằng chữ nổi. Ở nước ngoài, trên đường phố luôn có những phần đường để thuận tiện cho người khuyết tật sử dụng xe lăn dễ dàng hoặc tại các điểm đường giao nhau có thêm tín hiệu âm thanh quy định để người khuyết tật biết thực hiện theo hướng dẫn, hoặc người hỗ trợ để có thể qua đường an toàn.
Nguyễn Ngọc Trâm
Nguồn : http://anninhthudo.vn/giai-tri/tour-du-lich-cho-nguoi-khuyet-tat-hay-ho-tro-bang-nhan-thuc-va-tinh-than/749869.antd
Ngày đăng: 19/08/2020
Ngày tạo: 22/10/2016
Ngày tạo: 29/10/2015
Ngày tạo: 09/09/2024